Giám đốc FBI khuyên nên che webcam trên máy tính và bạn cần phải làm nếu không muốn lộ ảnh nóng

     

Giám đốc FBI khuyên nên che webcam trên máy tính và bạn cần phải làm nếu không muốn lộ ảnh nóng
 
Giám đốc FBI James Comey khuyên chúng ta nên dùng băng keo che webcam trên máy tính lại để đảm bảo an toàn và bảo mật cá nhân. Lời khuyên này được ông đưa ra trong khuôn khổ hội nghị tổ chức gần đây tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược và theo ông thì "Không phải bị điên mà giám đốc FBI quan tâm tới vấn đề an ninh cá nhân. Nếu bạn vào bất cứ một văn phòng chính phủ nào, chúng tôi đều có một chiếc camera nhỏ nằm phía trên màn hình và thực ra tất cả mọi người đều che nó lại. Bạn làm điều đó để những người không có quyền thì không được nhìn thấy bạn. Tôi nghĩ đó là điều tốt."

Việc giám đốc FBI che camera của ông lại có thể sẽ khiến một số người ngạc nhiên nhưng thật ra không chỉ có ông mà nhiều người khác cũng làm điều đó, bao gồm cả CEO Facebook Mark Zuckerberg. Trên thực tế thì từ lâu, nhiều người đã quan tâm tới tội phạm mạng, xâm phạm thông tin cá nhân và họ một trong những biện pháp ngăn chặn của họ là che webcam lại. Còn bây giờ thì biện pháp che webcam đã được "chính thức hóa" bởi những chuyên gia hoặc người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Trong quá khứ cũng không ít lần xảy ra các vụ đánh cắp hình ảnh, thông tin cá nhân bằng webcam đã xảy ra. Còn nhớ hồi năm 2010 tại một trường học ở Pennsylvania, Mỹ đã xảy ra vụ vụ bê bối theo dõi học sinh bằng webcam trên laptop. Khi đó, phụ huynh học sinh Blake Robbins đã đệ đơn kiện nhà trường theo dõi đời tư của học sinh và của những thành viên trong gia đình một cách trái phép, ghi lại những hình ảnh nhạy cảm của họ lúc ở nhà.

 
che_webcam_Tinhte.jpg
Qua điều tra, FBI kết luận nhân viên nhà trường đã chụp ảnh Blake Robbins hơn 400 lần trong vòng 2 tuần và trong số những lần đó, có khi Robbins đang không mặc quần áo hoặc đang ngủ. Khi đó phía nhà trường đã thừa nhận họ có hệ thống theo dõi nhằm tìm máy tính bị mất hoặc đánh cắp nhưng phủ nhận việc có phần mềm chụp ảnh bằng webcam 15 phút mỗi lần mà không báo người dùng. Hóa ra thì họ đã chụp gần 56 ngàn bức ảnh cá nhân của học sinh mà không được phép.

Không chỉ lén lút đánh cắp hình ảnh cá nhân từ webcam một cách có tổ chức trên quy mô lớn như trường hợp trên mà nó còn được rao bán trên các chợ đen như một dịch vụ đánh cắp ảnh hoặc video của người khác thông qua truy cập trái phép webcam. Một báo cáo của BBC hồi năm 2013 đã chỉ ra rằng cái giá để truy cập vào webcam của một người dùng nữ là 1 đô/người, còn nếu webcam của nam thì cái giá sẽ từ 1 tới 100 đô. Và thậm chí cách đây 3 năm còn có một chương trình bán với giá khá rẻ trên mạng, cho phép kẻ xấu có thể chụp ảnh, quay video có tiếng và đặc biệt là bắt webcam hoạt động mà không có đèn khiến họ không hề biết là đang bị theo dõi.

Câu chuyện của BBC còn đáng sợ hơn khi họ dẫn ra câu chuyện có liên quan tới một trong 2 ứng cử viên sáng giá của hoa hậu Miss Teen Mỹ. Một năm trước khi Cassidy Wolf được trao vương miệng hoa hậu, một nam thanh niên học chung trường của cô đã sử dụng phần mềm hack webcam trên máy tính của cô và chụp lại nhiều bức ảnh. Mãi cho tới khi anh chàng này đăng nhập được vào tài khoản mạng xã hội của cô và đòi tiền chuột thì cô mớ biết là mình đã bị hack. Và hóa ra Cassidy chỉ là một trong 12 cô gái bị chính nam thanh niên đó hack webcam chụp ảnh tống tiền. Tất nhiên, cảnh sát đã vào cuộc và người này phải chịu mức án 18 tháng tù giam.

Các phần mềm xấu về cơ bản sẽ được cài vào máy tính khi nạn nhân click vào một link, thường xuất hiện trong email, banner quản cáo xấu,... và một khi bị lây nhiễm, kẻ xấu có thể toàn quyền điều khiển từ xa camera của máy tính. Kiểu tấn công này còn có tên gọi là phishing - một trong những dạng tấn công cơ bản nhất trên facebook.

Và không lâu sau vụ lùm xùm ảnh hoa hậu Mỹ thì tới năm 2014, FBI tiến hành đợt truy quét tội phạm mạng trên quy mô lớn, bắt giữ hàng loạt hacker chuyên đi đánh cắp webcame đến từ nhiều nước khác nhau. Phần mềm mà các hacker này sử dụng thường là Blackshades với khả năng cho phép người dùng có thể truy cập vào "ảnh chụp và nhiều tập tin khác trên máy tính nạn nhân, ghi lại toàn bộ thao tác gõ phím trên bàn phím của nạn nhân, đánh cắp mật khẩu của nạn nhân, đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội và thậm chí là kích hoạt camera trên máy tính nạn nhân để đánh cắp hình ảnh." Phần mềm gián điệp này đã được hàng ngàn hacker đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới và theo ước tính thì đã lây lan khoản hơn nửa triệu máy tính toàn cầu.

Trở lại câu chuyện của cô hoa hậu teen Mỹ, sau vụ rò rỉ thông tin cá nhân và hình ảnh nhạy cảm, cô đã che toàn bộ camera trên các thiết bị điện tử. Tất cả mọi thứ có camera, từ điện thoại, laptop cho tới máy tính bảng đều bị che lại toàn bộ. Nếu bạn có một thiết bị hiện đại, smart và có kết nối internet thì chắn hẳn nó sẽ có camera. Và nếu đã có camera, thì có thể ai đó đang cần tiền hoặc mưu đồ xấu sẽ có thể tìm cách để hack camera và chiếm quyền sử dụng nó mà bạn không biết. Bảo vệ bản thân bằng cách đơn giản là lấy băng keo dán camera thật sự là việc làm đảm bảo an toàn chứ không phải cực đoan hay quá hoang tưởng. Thậm chí, chúng ta có thể tìm một miếng sticker đẹp hoặc sắm miếng da Khắc tên để dán vào, vừa đẹp, vừa đảm bảo an toàn cá nhân :D.


Tham khảo Engdaget
Trích dẫn: tinhte.vn
https://tinhte.vn/threads/giam-doc-fbi-khuyen-nen-che-webcam-tren-may-tinh-va-ban-can-phai-lam-neu-khong-muon-lo-anh-nong.2645000/